Cuộc sống hiện đại luôn ồn ã, mỗi chúng ta hằng ngày đều phải tiếp xúc với vô vàn những âm thanh khác nhau. Đó có thể là tiếng chuông đồng hồ, tiếng rền của tủ lạnh, điều hòa, tiếng động cơ không biết mệt mỏi, tiếng máy móc ầm ĩ hay tiếng nhạc từ máy nghe nhạc cá nhân... Trong số những âm thanh hỗn độn ấy có không ít loại tiềm ẩn nguy cơ gây ù tai khi nó vượt ngưỡng nghe của tai trong một thời gian dài. Đây cũng là một biểu hiện dễ nhận thấy nhưng dễ bị bỏ qua dẫn đến điếc tiếp nhận, một bệnh lý giảm sức nghe chưa có biện pháp đặc trị.

Thoát "điếc" nhờ nhập viện kịp thời

Hai hôm nay, anh Nguyễn Thanh C. 32 tuổi ở Thanh Chương, Nghệ An bỗng nhiên thấy tai trái có tiếng vo ve khác thường, lúc đầu còn nhỏ nên mải công việc anh không chú ý. Nhưng càng ngày, tiếng vo ve trong tai càng to và đã lan sang cả tai phải khiến anh rất khó chịu, không tập trung làm việc được nữa. Đến ngày thứ ba, anh quyết định đến khám bệnh tại Bệnh viện Tai - mũi - họng. Tại đây, anh được đo thính lực đồ phát hiện tai trái đã giảm sức nghe 50%, anh được nhập viện ngay để hỗ trợ điều trị. Sau 10 ngày, sức nghe của tai đã cải thiện đáng kể, thính lực được hồi phục gần như hoàn toàn. Bác sĩ hỗ trợ điều trị cho biết, trường hợp của anh C. đã nhập viện kịp thời nên đáp ứng tốt với các biện pháp hỗ trợ điều trị, chủ yếu là sử dụng thuốc giãn mạch và tăng tuần hoàn cho tai làm cho mạch máu nuôi tai tốt hơn, giảm triệu chứng ù tai và ngăn chặn sớm bệnh điếc tiếp nhận đang hình thành. Nếu anh C. nhập viện muộn hơn, có thể chỉ sau một vài ngày thì kết quả hỗ trợ điều trị chắc chắn không được như mong muốn, sức nghe của tai không hồi phục được và anh có thể phải đối diện với một vấn đề mới là chứng ù tai sẽ theo anh suốt cuộc đời.
 
ảnh minh họa
Ảnh minh hoạ.

Nhập viện càng sớm, bệnh khỏi càng nhanh

BS. Nguyễn Tuyết Mai - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Tai - mũi - họng Trung ương cho biết, ù tai có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, có thể do viêm tai giữa tiết dịch, ung thư vòm họng, rối loạn tuần hoàn não và cũng có thể do điếc tiếp âm khi tiếp xúc nhiều với tiếng ồn trong sinh hoạt, trong môi trường lao động hoặc khi đeo máy nghe nhạc cá nhân với âm lượng cao trong thời gian dài. Để giải quyết triệt để chứng ù tai cần phải được khám lâm sàng tỉ mỉ nhằm phát hiện nguyên nhân để hỗ trợ điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, người bệnh có biểu hiện ù tai nhưng không đến viện khám sớm khiến quá trình hỗ trợ điều trị gặp khó khăn. Thời gian đến khám lý tưởng nhất là trong khoảng 3 ngày kể từ khi biểu hiện ù tai bắt đầu xuất hiện. Thời gian muộn không thể phục hồi được sức nghe khi người bệnh để chứng ù tai quá một tháng mà không có biện pháp hỗ trợ điều trị nào.

Ù tai có biện pháp đặc trị?

Thông thường, tai của chúng ta tiếp nhận âm thanh ở ngưỡng từ 0-20dB và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ngưỡng tiếng ồn cho phép trong môi trường nghỉ ngơi, độ ồn thường xuyên (âm nền) không quá 40dB; môi trường sinh hoạt (âm nền) không quá 60dB; môi trường sản xuất (âm nền) không quá 80dB. Nếu độ ồn cao hơn, thời gian tiếp xúc phải ngắn hơn. Nếu đeo tai nghe để nghe nhạc thì không nên nghe quá to, nghe nhiều thời gian trong ngày vì dễ có nguy cơ ù tai do điếc tiếp âm không hồi phục khi tế bào nhận âm thanh ở tai trong bị tổn thương. Khi bị ù tai sẽ khiến cho người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, lo lắng, thiếu tự tin... dễ dẫn đến suy nhược. Bên cạnh đó, tùy theo lứa tuổi và mức độ bệnh mà chứng ù tai còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, cá tính và các mối quan hệ xã hội của con người. Tuy nhiên, hiện nay chưa có biện pháp đặc trị nào cho chứng ù tai này mà chỉ có những cách hỗ trợ người bệnh để họ có cảm giác thoải mái hơn và quên đi chứng ù tai quái ác. Các bác sĩ có thể cho người bệnh đeo máy trợ thính nếu người bệnh bị ù tai do mất thính lực để họ nghe được âm thanh bên ngoài và không có hoặc giảm triệu chứng ù tai. Biện pháp cấy điện cực ốc tai cũng đã được đề cập nhưng chi phí cao và chưa đạt kết quả như mong muốn nên chưa được áp dụng rộng rãi. Trên thế giới, nếu bị ù tai nhiều, các bác sĩ có thể thực hiện biện pháp cắt hạch giao cảm nhưng biện pháp này chưa được thực hiện tại Việt Nam.      
Lưu Thu Lương