Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại âm thanh khác nhau. Có những âm thanh dễ chịu, du dương, trầm bổng như một bản nhạc tango hay một bài hát dân ca nghe ngây ngất, đắm say lòng người, nhưng cũng có những âm thanh gây "inh tai, nhức óc" như tiếng gầm rú của máy bay phản lực, của xe tăng trên đường xung trận. Tất cả những âm thanh đó đều được tai người cảm nhận theo nhiều cách khác nhau.

Những loại tiếng ồn gây nguy hiểm

Thính giác là cơ quan cực kỳ nhạy cảm và chuyên biệt. Tai người có thể cảm nhận được âm thanh có tần số dao động từ 16 đến 20.000 héc (hZ), tốt nhất từ 1.000hZ đến 4.000hZ. Tiếng nói của người bình thường có tần số trong khoảng 500-2.000hZ. Âm thanh có tần số quá thấp tai người không nghe thấy, quá cao gây đau tai. Âm thanh dễ chịu được tai người đón nhận toàn bộ, cũng giống như "lời nói ngọt dễ lọt lỗ tai". Cường độ âm thanh được tính bằng deciben (dB), nó đặc trưng cho độ mạnh yếu của âm thanh. Người ta đã đo được cường độ âm thanh khi nói chuyện bình thường là 50-60dB, khi thủ thỉ nói chuyện với người yêu từ 40-50dB. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường xuyên phải chịu tác động của tiếng ồn có cường độ lớn.

Cường độ tiếng ồn của búa đập là 80-85dBA, còi ô tô là 90dBA, búa máy 95dBA, máy cưa 105dBA, của xe tăng 115dBA, của máy bay phản lực 130dBA. Khi tiếng ồn có cường độ lớn trên 90dBA, thì tai người phản ứng bảo vệ bằng cách phản ứng hợp đồng giữa các cơ của tai trong, căng da ống tai và cứng đờ chuỗi xương nghe để giảm sự dẫn truyền, bớt kích thích âm thanh, nhờ đó giảm bớt được tác hại của tiếng ồn.

Tuy nhiên, phản ứng bảo vệ này cũng chỉ giảm được phần nào tác hại của tiếng ồn, tiếng ồn quá lớn trong thời gian dài sẽ dẫn đến giảm thính lực và điếc nghề nghiệp.

Tiếng ồn là một trong những yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Vậy giới hạn cho phép của tiếng ồn là bao nhiêu? Theo quy ước quốc tế, mức độ gây hại của tiếng ồn là 85 ± 2,5dBA. Ở Việt Nam, giới hạn tiếng ồn cho phép là 85dBA. Nếu tiếp xúc với tiếng ồn trên mức gây hại trong một thời gian dài (3 tháng) mà không có các biện pháp bảo vệ sẽ dẫn đến điếc nghề nghiệp.

Điếc nghề nghiệp là điếc do tổn thương không hồi phục ở cơ quan Corti tai trong, dẫn đến điếc vĩnh viễn ngay cả khi thôi không tiếp xúc với tiếng ồn nữa. Chính vì vậy mà điếc nghề nghiệp là một trong những bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm ở nước ta.

Ảnh hưởng của tiếng ồn đối với cơ thể

Tiếng ồn không chỉ tác động về mặt cơ học lên cơ quan thính giác, mà còn tạo ra các xung động hướng tâm đi từ các thụ cảm thể của cơ quan thính giác tác động lên hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, tiếng ồn gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể (hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa...).

Tác động của tiếng ồn lên cơ thể phụ thuộc vào cường độ, tần số và tính chất tiếng ồn. Cường độ và tần số tiếng ồn càng cao gây tác hại càng nhiều và càng nặng. Tiếng ồn ngắt nhịp (ví dụ tiếng búa đập) bao giờ cũng gây tác hại hơn là tiếng ồn liên tục. Tác động của tiếng ồn không những phụ thuộc vào cường độ, tần số, mà còn phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc, tình trạng cơ thể và phản ứng của từng cá thể.

Nếu tiếng ồn tác động lâu dài, không những gây giảm sức nghe, điếc nghề nghiệp mà còn gây chấn động về mặt tâm lý, gây suy nhược thần kinh, rối loạn chức năng của nhiều cơ quan, làm giảm khả năng lao động. Ở những người tiếp xúc với tiếng ồn lớn, sau ngày làm việc có cảm giác ù tai, đau dai dẳng trong tai, tai như có tiếng ve, tiếng muỗi kêu, hay bị chóng mặt, vã mồ hôi, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, trí nhớ giảm, rối loạn giấc ngủ, ngủ chập chờn, không sâu, năng suất lao động giảm từ 20 đến 40%, tai nạn dễ phát sinh.

Tiếng ồn với cường độ 75-80dBA đã gây đau đầu, mệt mỏi; 90dBA gây cảm giác ù tai, giảm khả năng lao động trí óc, giảm khả năng chú ý, tư duy, trí nhớ. Tiếng ồn tác động trong thời gian dài dẫn đến suy nhược thần kinh, có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc nhảy lầu tự tử do không chịu được tác động của tiếng ồn có cường độ lớn.

Tiếng ồn gây nên những biến đổi khác nhau đối với hệ tim mạch như cảm giác khó chịu ở vùng tim (đánh trống ngực), tiếng thổi cơ năng của tim, loạn nhịp xoang, chậm dẫn truyền nhĩ-thất. Tiếng ồn có cường độ 75-80dBA làm tăng nhịp thở và tăng nhịp tim, gây tăng huyết áp tâm thu và tâm trương, tăng nhiệt độ cơ thể và giảm hứng thú trong lao động.

Tiếng ồn có cường độ lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hoá, dạ dày tiết ít dịch vị hơn, ăn kém ngon, hấp thu kém hơn. Dưới tác động trường diễn của tiếng ồn, làm giảm hàm lượng một số acid amin không thay thế trong các mô gan và tim như lyzin, methionin, phenylalanin, histidin. Tiếng ồn còn làm thay đổi tỷ lệ thành phần các acid amin tự do trong huyết thanh và hồng cầu như giảm treonin và alanin, tăng serin.

Các biện pháp phòng chống tiếng ồn

Biện pháp kỹ thuật: Giảm nguồn sinh ra tiếng ồn bằng che chắn, ngăn cách, tường và trần nhà nên có nhiều lớp cách âm. Ở các nhà máy, xí nghiệp bố trí phân xưởng có tiếng ồn ở cách xa các phân xưởng khác, để giảm tiếng ồn lớn do máy phát ra cần đặt máy trên nền chắc tránh rung lắc, cố định máy vào bệ, vặn chặt cấu kiện máy...

Biện pháp y tế: Biện pháp dự phòng có hiệu quả là tiến hành kiểm tra thính lực thường xuyên và định kỳ đối với những người thường xuyên chịu tác động của tiếng ồn lớn. Kiểm tra thính lực thường xuyên để phát hiện những người có tính nhạy cảm cao với tiếng ồn, phát hiện sớm những trường hợp tổn thương thính lực để bố trí công việc khác không tiếp xúc với tiếng ồn, tránh bệnh nặng thêm.

Những người làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn thường bị thiếu các vitamin nhóm B và C. Vì vậy để tăng tính bền vững với tiếng ồn, trong khẩu phần ăn hàng ngày nên bổ sung thêm rau quả có chứa nhiều vitamin nhóm B và C như rau ngót, súp lơ, salat, cam, quýt, chanh, bưởi, chuối...

Biện pháp phòng hộ cá nhân: dùng bông hoặc nút tai bằng cao su để bịt lỗ tai. Nút tai có thể giảm được cường độ tiếng ồn khoảng 15-20dB, đưa cường độ tiếng ồn cao xuống dưới mức gây hại. Dùng cáp tai chống ồn trong một số ngành nghề (khoan bê tông, đóng búa máy, lái máy bay, xe tăng...) có tác dụng phòng chống tiếng ồn tốt, có thể giảm được tiếng ồn từ 35-40dB.

Tổ chức lao động, nghỉ ngơi hợp lý nhằm làm cho tai thích ứng được với tiếng ồn, không để tình trạng quá mệt mỏi, làm cho tai phục hồi trở lại nhanh sau những giờ tiếp xúc với tiếng ồn. Điều quan trọng là người lao động cần được trang bị kiến thức về tác hại của tiếng ồn (qua sách, báo, tạp chí, y tế cơ quan). Khi đã có kiến thức thì họ sẽ tự giác áp dụng các biện pháp phòng chống tiếng ồn có hiệu quả để phòng tránh điếc nghề nghiệp cho bản thân và những người xung quanh.

Andy