“Những người trẻ nếu thường xuyên đến các quán bar, quán cà phê nhạc mạnh thì nguy cơ bị điếc là rất cao. Nguy hiểm hơn, thời gian đầu, biểu hiện chỉ là điếc đột ngột. Sau một thời gian kéo dài mới dẫn đến điếc hoàn toàn” - ThS.BS Đỗ Hồng Giang - Trưởng khoa Thính học Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết.
Thậm chí mang tai phone nghe nhạc khi ngủ, dùng headphone học ngoại ngữ, nghe điện thoại quá nhiều cũng không tránh khỏi tình trạng mệt mỏi và làm tổn thương thính giác.
Đột ngột… điếc
Theo thống kê chưa đầy đủ thì con số người trẻ ở độ tuổi 20-25 đến khám tai tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM ngày càng gia tăng. Biểu hiện chung thường là đau tai, nhức tai, ù tai và cảm giác choáng váng.
Ngồi ở sảnh chờ đến lượt vào khám, bạn Trần Bình - sinh viên năm 2 ĐH Sài Gòn cho biết: “Do việc học ngoại ngữ nên khoảng 2 năm nay, mình thường xuyên dùng headphone, rảnh rỗi thì lại dùng tai phone để nghe nhạc nước ngoài, tranh thủ học luôn. Thời gian đầu mình chỉ thấy khi bỏ tai phone, headphone ra khỏi tai thì có cảm giác choáng nhẹ, tai hơi ù ù nhưng hết ngay sau đó. Càng về sau, mình càng thấy mệt và choáng hơn. Lúc nào cũng thấy như có những âm thanh hỗn độn kêu trong tai vậy…”.
Bình cho biết, không riêng gì Bình có những triệu chứng trên mà bạn bè của Bình rất nhiều người cũng lâm vào tình trạng giống như vậy. Thế nhưng, hầu như ai cũng chỉ nghĩ đơn giản là do mang headphone quá thường xuyên và tập trung đầu óc vào học tiếng quá nhiều nên mới có cảm giác trên. Không ai nghĩ rằng thính giác mình đang bị tổn thương.
ThS.BS Đỗ Hồng Giang cho biết, nhiều trường hợp sinh viên có thói quen mang tai phone nghe nhạc khi đi ngủ và quên không tháo tai phone ra. Việc này kéo dài thường xuyên, liên tục cũng sẽ dẫn đến mệt mỏi thính giác. Biểu hiện ban đầu là khi thức dậy cảm giác rất mệt mỏi, đầu óc váng vất, nặng nề, tai cảm giác âm thanh không rõ ràng. Kéo dài quá  lâu sẽ khiến tai nhức, giảm nghe trong môi trường ồn, thậm chí là điếc.
BS. Giang cũng cho biết, rất nhiều bạn trẻ khi đến các quán bar, vũ trường hay đơn giản như lui tới các quán cà phê nhạc mạnh khi bước ra ngoài thường có biểu hiện ù một hoặc hai bên tai, thậm chí là ù đặc, không nghe rõ ràng. Đây được gọi là tình trạng điếc đột ngột, do mạch máu thần kinh bị tắc. Tình trạng này rất phổ biến trong giới trẻ, nhưng các bạn lại thường không để ý để xử lý kịp thời.
Nên điều chỉnh thời gian nghe
Điều nguy hiểm là thời gian chuyển từ điếc đột ngột, tổn thương, mệt mỏi thính giác sang điếc hoàn toàn lại là cả một quá trình dài, từ 3-10 năm. Chính điều này đã làm tình trạng điếc ở người trẻ gia tăng.
Từ độ tuổi 20 đến 30, thính lực của tai còn rất tốt. Nhưng vì khi ở độ tuổi 20, đôi tai không được bảo vệ, nghe nhạc mạnh kéo dài sẽ khiến khi đến tuổi 30 tai trở nên rất kém, nhận biết lời đôi khi không rõ ràng. “Đây là hiện tượng người trẻ mang đôi tai người già” - BS. Giang nhận định.
Khi nghe nhạc bằng tai phone, headphone, âm thanh sẽ đi trực tiếp vào màng tai mà không bị khuếch tán, làm tổn thương trực tiếp đến màng tai. Đối với những trường hợp mang tai phone nghe nhạc khi ngủ quên, mặc dù lúc ngủ, não bộ không làm việc, nhưng vẫn ảnh hưởng đến vùng xung quanh tai, lúc này toàn bộ khu vực xung quanh tai đều phải hoạt động. Kéo dài sẽ làm tổn thương tế bào thần kinh thính giác, mà tổn thương đầu tiên đó là những tế bào lông - một khi đã tổn thương là không thể phục hồi được và thường chỉ tổn thương cùng với tuổi tác khi con người về già.
Việc sử dụng tai nghe giá rẻ, không nhãn mác được bán tràn lan ở vỉa hè và sử dụng tai nghe chất lượng đều dẫn tới sự tổn thương thính giác như nhau. Theo BS. Giang thì sự khác nhau giữa 2 loại tai nghe đó chỉ là bộ lọc âm thanh, còn mức độ làm tổn thương trực tiếp đến tế bào thính giác thì ngang nhau.
BS. Giang khuyến cáo rằng, để bảo vệ đôi tai khỏe mạnh mà không ảnh hưởng đến thói quen nghe nhạc thì người trẻ nên điều chỉnh thời gian nghe là dưới 1 giờ/1 ngày thay vì 8-9 giờ như trước đây, không nghe liên tục. Đồng thời âm lượng chỉ ở mức 60-70 đề xi ben là tốt nhất vì thiết kế của tai phone, headphone luôn có âm lượng cao nhất là 100-120 đề xi ben. Không mang tai phone nghe nhạc trước khi đi ngủ vì sẽ tác động trực tiếp vào màng tai, làm cho giấc ngủ không được ngon mà còn khiến mệt mỏi.
Khi có những biểu hiện như giảm chức năng nghe ở một hay hai tai, ù tai, nhức tai, buốt tai thì cần phải đi khám ngay để được xử lý kịp thời, phục hồi chức năng tai. Bởi những biểu hiện trên nếu bỏ quên, kéo dài sẽ dẫn đến điếc hoàn toàn.
Yến Hoa