Can thiệp sớm suy giảm thính lực bẩm sinh cần được thực hiện ngay từ lúc trẻ được 1-2 tuổi, bao gồm 2 biện pháp chính: phục hồi chức năng nghe và giáo huấn nghe-nói.
1. Phục hồi chức năng nghe
Phục hồi chức năng nghe nhằm giải quyết các bệnh lý bẩm sinh của tai ngoài và tai giữa. Hiện nay việc hỗ trợ điều trị bằng các biện pháp nội và ngoại khoa chưa có tác dụng và các nhà khoa học vẫn trong quá trình nghiên cứu. Vì vậy, phục hồi chức năng nghe cho trẻ chủ yếu là bằng các phương pháp giáo dục và dụng cụ hỗ trợ.
Đối với những trẻ nghe kém nhẹ hoặc trung bình, có thể tập cho trẻ nghe tiếng nói to và đọc môi để bắt chước nói theo. Đối với trẻ nghe kém nặng, máy trợ thính là công cụ hỗ trợ đắc lực.
Ảnh minh họa
Máy trợ thính là một thiết bị điện tử, có tính chất như một bộ khuếch đại nhỏ. Âm thanh bên ngoài được micro thu vào và được chuyển đổi thành tín hiệu điện tử để xử lý. Tín hiệu đã khuếch đại sẽ được chuyển đổi lại thành âm thanh và đưa vào tai qua loa. Âm thanh khuếch đại (qua các rung động âm thanh) sẽ được đưa từ màng nhĩ và tai giữa đến tai trong hoặc ốc tai. Nhờ đó, chúng giúp nghe được âm thanh rõ hơn. Công nghệ máy trợ thính có thể điều chỉnh âm lượng của âm thanh bên ngoài một cách tự động. Đối với một số trẻ điếc rất nặng, không thể nghe được thậm chí ngay cả khi có hỗ trợ của máy trợ thính, thì có thể sử dụng một thiết bị khác được gọi là cấy ốc tai. Đây là mẩu thiết bị điện tử rất nhỏ được cấy vào ốc tai trong khi phẫu thuật. Nó đảm nhận công việc của các tế bào có lông bị tổn thương hoặc bị tiêu diệt trong ốc tai, bằng cách chuyển âm thanh thành các tín hiệu điện làm kích thích dây thần kinh thính giác một cách trực tiếp.
Giai đoạn trẻ dưới 1 tuổi, các biện pháp phục hồi chức năng nghe như trên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, người lớn vẫn cần có kế hoạch cho trẻ tiếp xúc với tiếng động, âm thanh và ngôn ngữ có cường độ đủ lớn đến mức trẻ có thể nghe được.
2. Giáo huấn nghe - nói
Có nhiều cách để trẻ bị mất thích lực được giáo huấn nghe nói trong môi trường giáo dục. Trẻ có thể theo học tại một trường đặc biệt nào đó, có thể là học tại các lớp đặc biệt trong một trường bình thường, hoặc có thể theo học một phần của lớp học bình thường, hoặc trẻ có thể học hoàn toàn ở lớp học đặc biệt dành cho trẻ bị mất thính lực.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà một số trẻ có thể làm việc với nhà thính học hoặc nhà nghiên cứu ngôn ngữ-lời nói để giúp trẻ có thể phát triển được kỹ năng nghe-nói của mình. Đây là một lĩnh vực quan trọng và phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên ngành như: giáo dục (sư phạm, tâm lý, ngôn ngữ), y tế (khoa tai-mũi-họng)... Tuy nhiên, sự quyết tâm và kiên nhẫn của gia đình đóng vai trò chủ đạo.
Nội dung giáo huấn nghe - nói bao gồm:
Luyện nghe: Theo các mức độ từ có lưu ý đến âm thanh, đến nhận ra âm thanh và cuối cùng là phân biệt được âm thanh để nghe được tiếng nói, tiến tới hiểu được tiếng nói để có thể nói lại được.
Luyện nói: Luyện nói đi tiếp hoặc xen kẽ với quá trình luyện nghe. Bản chất của việc học nói và nói được là trẻ lặp lại những gì đã nghe được. Tất nhiên, điều này sẽ khó hơn đối với trẻ mất thính lực, cần sự kiên nhẫn và tận tâm của những người làm công tác huấn luyện đặc biệt này. Tốt nhất cần phối hợp với huấn luyện tâm lý. Trong quá trình dạy dỗ, phải thể hiện tình yêu thương, khen ngợi trẻ để trẻ cộng tác tốt, ham muốn giao tiếp bằng lời nói.
Trong điều kiện không thực hiện được luyện nghe, luyện nói nêu trên, nhất là đối với những trẻ bị điếc hoặc điếc đặc, có thể huấn luyện cho trẻ thể hiện ngôn ngữ bằng các tín hiệu qua cử động của các ngón tay, tay và điệu bộ. Bằng cách:
Nhìn miệng để có thể hiểu người khác nói gì, kỹ thuật này liên quan đến việc quan sát kỹ môi của một người nào đó, cử chỉ nét mặt, và điệu bộ để giúp trẻ hiểu ra lời nói của họ.
Các ngôn ngữ ký hiệu bằng tay dành riêng cho người câm điếc của Mỹ (American Sign Language), hoặc ASL, giúp cho người điếc có thể giao tiếp được với nhau mà không cần phải nói.
Kết hợp cách đọc bằng môi và ra dấu hiệu bằng ký hiệu, sử dụng ký hiệu bằng tay sẽ giúp trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ trong việc giao tiếp hàng ngày cũng như hiểu người khác đang nói gì.
Trong giáo huấn nghe-nói, nên phối hợp nhiều phương pháp và nên cho trẻ học cách giao tiếp bằng ra hiệu, điệu bộ và các cách khác trước sẽ làm cho việc học đọc môi để nói dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, vẽ, đọc tranh, đọc chữ, viết, đánh vần bằng tay khi trẻ được 3-5 tuổi trở lên sẽ là những ngôn ngữ hỗ trợ đắc lực giúp trẻ tiếp nhận thông tin và truyền đạt thông tin của mình đến mọi người.
Theo Nhật ký bé