Một trường hợp khác, bé Nguyễn Hoài Linh (30 tháng tuổi ở Vĩnh Tuy, Hà Nội) cũng bị viêm tai giữa sau một đợt dài ngày bị chảy mũi liên tục. Tuy nhiên do phát hiện muộn nên tai bé đã chảy mủ, nên mỗi ngày bố mẹ đều phải đưa bé đến BV Tai mũi họng T. Ư để y tá rửa tai, hút dịch từ tai.
Cũng tương tự trường hợp bé Minh, Linh cũng bị xổ mũi từ khi bắt đầu đi học mẫu giáo. “Nhà neo người, nên con chảy mũi, mình vẫn phải cho con đi học. Thành ra, mỗi ngày chỉ làm vệ sinh mũi cho con được 2 lần vào sáng và tối. Chắc vì vậy mà mũi con đặc, con lại hay tự hít vào, gây viêm tai”, chị Hoa nói.
Chưa hết chảy mũi, khó khỏi viêm tai
Theo TS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TƯ, viêm tai giữa cấp là bệnh lý gặp khá phổ biến ở trẻ em, hay gặp sau một đợt dài viêm mũi họng. Dấu hiệu viêm tai giữa khá điển hình, nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn nên đưa con tới viện muộn. Việc hỗ trợ điều trị muộn có thể gây biến chứng nguy hiểm hoặc để lại di chứng nặng nề, rất khó khắc phục, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.
Triệu chứng điển hình nhất của viêm tai giữa cấp là đau tai. Hiện tượng đau tai có thể khởi phát một cách đột ngột, bé đang ngủ có thể vùng dậy kêu đau tai dữ dội, khiến bố mẹ nhiều khi lầm tưởng có con gì chui vào tai con. Trẻ lớn sẽ biết chỉ vào tai và kêu đau, còn với trẻ nhỏ, bé thường đưa tay ngoáy vào tai, kêu khóc và không cho người khác động vào tai mình. Tuy nhiên hiện tượng đau tai không kéo dài mà chỉ diễn ra trong chốc lát, rồi có thể lặp lại khiến người lớn đôi khi tưởng lầm là bé “giả vờ” để làm nũng bố mẹ.
Bé Minh lúc đầu chỉ bị viêm tai giữa cấp phải, sau 7 ngày dùng thuốc kháng sinh, nhỏ mũi, mẹ bé thấy đỡ hơn nên không đưa con đi tái khám. Nhưng chỉ sau khi tới lớp 2 ngày, bé lại bắt đầu hắt hơi ra rất nhiều mũi. Soi tai con, chị thấy tai bé vẫn còn nhiều lớp dáy keo màu nâu ở cả hai tai. Lúc này chị mới lại đưa con tái khám rồi mới biết bé đã bị viêm cả hai tai.
Ths Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TƯ cho biết, với viêm tai giữa cấp, nếu không khỏi được viêm mũi, mũi vẫn chảy nhiều thì khó có thể khỏi viêm tai. Hơn nữa, bệnh này rất hay tái phát, nếu lần sau bé viêm mũi thì khả năng viêm tai trở lại là rất lớn.
Vì thế, khi bị xổ mũi, việc đầu tiên là phải làm cho đường thở thông thoáng bằng cách hút hết đờm mũi. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi rửa hút mũi phải đúng cách. Tuyệt đối không bít một bên lỗ mũi hoặc bóp chặt cánh mũi như dân gian hay làm, vì như vậy sẽ khiến dịch mũi, mủ bị đẩy ngược lên tai, gây bệnh viêm tai giữa. Tốt nhất khi xì mũi phải để cả hai mũi thông thoáng, rồi dùng hơi xì mạnh ra ngoài. Còn ở trẻ nhỏ, sau khi xịt rửa bằng muối sinh lý thì cần hút sạch dịch mũi.