Viêm sụn vành tai là tình trạng viêm nhiễm trùng thứ phát sau khi bị chấn thương va đập, tụ máu vành tai. Nguyên nhân có thể do chấn thương va đập gây tổn thương lớp màng sụn ở vành tai làm cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng sụn vành tai, gây xuất tiết dịch, dịch lúc đầu có thể là dịch vô khuẩn nhưng tiếp sau đó là dịch nhiễm trùng thứ phát do bội nhiễm. Dịch thường nằm khu trú ở giữa lớp màng sụn và lớp sụn, làm cảm trở nuôi dưỡng sụn vành tai, nếu không được hỗ trợ điều trị tốt có thể dẫn đến viêm hoại tử vành tai. Vi khuẩn gây viêm sụn vành tai thường gặp là Pseudomonas aeurunosa và S. aureus.
Triệu chứng ban đầu: bệnh nhân thường cảm thấy đau ở vành tai, đau tăng lên khi va chạm hoặc kéo vành tai lên.
Chẩn đoán bệnh: bác sĩ thăm khám giai đoạn đầu thường thấy vành tai sưng nóng đỏ đau. Giai đoạn sau có thể thấy túi sưng phồng ở vành tai, ấn đau bên trong bập bềnh có dịch.
Hỗ trợ điều trị viêm sụn vành tai: giai đoạn đầu khi vành tai mới sưng đau chưa xuất tiết dịch thì bác sĩ thường hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân chủ yếu là kháng sinh, thuốc chống viêm và giảm đau. Bên cạnh đó bệnh nhân nên vệ sinh sạch sẽ vùng vành tai, tránh va chạm sờ nắn nhiều vào vành tai.
Với giai đoạn đã bệnh nhân đã có túi dịch xuất tiết ở vành tai, bác sĩ cần chọc hút và băng ép, kèm theo hỗ trợ điều trị thuốc kháng sinh, chống viêm.
Ở giai đoạn túi dịch xuất tiết ở vành tai bội nhiễm thành ổ áp xe, sụn viêm nhiễm hoại tử nhiều thì lúc này bác sĩ can thiệp bằng cách trích rạch rộng ổ áp xe, dẫn lưu sạch túi mủ, nạo hết tổ chức sụn viêm và hỗ trợ điều trị liệu pháp kháng sinh chống viêm kèm theo.
Viêm sụn vành tai là bệnh lý khá thường gặp trong nhiễm trùng tai ngoài. Việc phát hiện và hỗ trợ điều trị sớm thường đem lại kết quả tốt, ít tốn kém. Nhưng nếu bệnh nhân chủ quan tự hỗ trợ điều trị hoặc không hỗ trợ điều trị sớm có thể dẫn đến viêm hoại tử sụn và biến dạng vành tai, làm mất thẩm mỹ và hỗ trợ điều trị phục hồi hình dạng tai ban đầu rất khó và tốn kém. Vì vậy ngay khi bệnh nhân thấy sưng đau vành tai nên đến cơ sở khám chuyên khoa tai mũi họng sớm để được hỗ trợ điều trị sớm tránh biến chứng phức tạp sau này.