Có cần chăm sóc tai cho bé không? Chăm sóc và vệ sinh tai cho bé là rất cần thiết. Vì bé thường nằm nhiều, tai lại có ngấn sâu, dễ lắng đọng vi khuẩn và các mầm bệnh ở đây. Do đó, vệ sinh tai cho bé cần được tiến hành hằng ngày.
Vệ sinh, chăm sóc tai cho bé như nào?
Đó là băn khoăn của không ít người chăm sóc trẻ. Đó không phải là công việc khó nhưng đòi hỏi người chăm sóc trẻ cần cẩn trọng để tránh gây sự cố cho tai của bé.
Tai bé cần được vệ sinh thường xuyên. Khi tắm bé, bố mẹ cần lưu ý dùng khăn xô mềm lau nhẹ nhàng cả mặt trước và mặt sau vành tai bé, nhưng hết sức lưu ý tránh để nước vào. Áp dụng cách sau: áp chặt các ngón tay của mình vào vành tai trẻ, sao cho các ngón tay này giữ chặt lỗ tai. Người còn lại có thể lấy khăn lau và dội nhẹ nhàng trong khi tắm mà không lo sợ nước vào vành tai.
Đôi khi có thể xảy ra sự cố nước vào tai. Khi đó bạn cần bình tĩnh cho trẻ nghiêng về phía tai có nước, sao cho nước có thể chảy ra. Điều này dễ thực hiện vì ống tai trẻ em khá thẳng. Bà mẹ chỉ việc đặt đầu của một chiếc khăn xô mỏng vào cửa lỗ tai, vị trí thấp nhất là nước có thể chảy ra dễ dàng.
Dùng tăm bông như thế nào?
Đó là câu hỏi của nhiều bố mẹ. Trước hết, đó phải là tăm bông được sản xuất đảm bảo vệ sinh, bao gói rõ ràng, kích thước phù hợp, đúng là loại tăm bông cho trẻ em. Sợi bông phải mềm mịn và tuyệt đối không để lại bụi bông trong tai và đầu bông bám chắc không bị hở que tránh gây tổn thương tai trẻ khi sử dụng.
Để trẻ nghiêng đầu khi vệ sinh tai bằng tăm bông
Sau khi tắm, một người giữ đầu trẻ, hơi nghiêng xuống. Một người cầm tăm bông đặt ngay cửa lỗ tai. Nước sẽ bị rỉ ra và thấm hút từ từ vào đầu bông. Nhớ là tuyệt đối không đưa tăm bông sâu, chỉ ngay cửa lỗ tai ngoài để nước tự động chảy ra và thấm hút. Người giữ đầu trẻ phải hết sức chắc chắn. Nếu không, chỉ cần bé lắc đầu là có thể gây chấn thương tai, tăm bông có thể chọc sâu vào tai trẻ gây đau và chảy máu.Với trẻ quá nhỏ, bạn rất lưu ý không nên ngoáy tai quá sâu mà chỉ nên vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài bằng tăm bông có chất lượng tốt.
Với trẻ lớn hơn, bạn nên thường xuyên vệ sinh tai bên ngoài và có thể ngoáy sâu mỗi tuần một lần, ngay sau khi tắm. Bạn yêu cầu trẻ ngồi im, dùng một đèn pin nhỏ như ngón tay chiếu sáng vào lỗ tai. Cầm vành tai trẻ kéo lên và hơi ra sau. Khi đó lỗ tai tương đối thẳng. Dùng tăm bông trẻ em vệ sinh nhẹ nhàng. Làm vệ sinh sau tắm thì hơi nước làm chất bẩn mềm hơn, dễ lấy ra hơn.
Tai là bộ phận thính giác quan trọng. Khi bị tác động mạnh, có thể gây chảy máu tai, giảm thính lực, thủng màng nhĩ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tai – mũi – họng. Vì vậy, bạn cần hết sức lưu ý và cẩn trọng khi vệ sinh tai cho bé.
Bài sưu tầm.