Tai là một bộ phận quan trọng trong năm giác quan của con người, rất dễ bị tổn thương nếu không biết cách chăm sóc. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, việc vệ sinh và chăm sóc tai không đúng có thể làm bé bị viêm tai, sưng tai hoặc tổn thương đến thính lực. Mỗi lỗ tai chia thành ba vùng: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài bao gồm vành tai, được cấu tạo bằng sụn và các nếp xếp của da, có chức năng dẫn truyền sóng âm vào ống tai. Ống tai dài khoảng 2,5 cm, bên trong được những lông cứng bảo vệ, ngăn chặn các vật lạ rơi vào tai. Da bên trong ống tai tạo ra chất sáp từ các tuyến đặc biệt, chất sáp này (còn gọi là ráy tai) cũng giúp bảo vệ khỏi các vật thể lạ. Ráy tai cũ thường xuyên và liên tục được đẩy từ những vùng sâu bên trong ra ngoài ống tai, tại đây chúng khô lại, bong tróc và rơi ra ngoài.
Phần cuối của ống tai trong được kéo căng ngang bằng miếng mô sợi được bao phủ trong một lớp da dày, gọi là màng nhĩ. Sóng âm đi xuống ống tai đến màng nhĩ. Sự thay đổi áp lực không khí được kích thích bởi các sóng âm làm cho màng nhĩ rung lên, giúp nghe được âm thanh.
Nên lấy ráy tai cho bé đúng cách
Tất cả các biện pháp vệ sinh và chăm sóc tai thông thường chỉ có thể ở vùng tai ngoài mà thôi.
Bạn nên lưu ý khi vệ sinh tai cho trẻ chỉ dùng những loại tăm bông nhỏ, thấm nước muối sinh lý để lau sạch vành tai, các ngách trong vành tai…
Ráy tai thường khô và tự rơi ra ngoài mà không cần phải lấy. Nếu bé có ráy tai quá nhiều, cứng gây bít ống tai, ù tai, làm giảm thính lực thì có thể dùng loại nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai để ráy tai mềm và dễ dàng lấy ra. Không nên dùng tăm bông sẽ đẩy ráy tai vào sâu bên trong, rất khó lấy, cũng không dùng bất kỳ vật nhọn nào để ngoáy tai cho trẻ.
Nếu thực hiện theo cách trên không hiệu quả, bạn nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và lấy ráy tai.
Không cần phải gây mê tĩnh mạch để lấy ráy tai đâu. Những trường hợp phải gây mê là dị vật lọt vào tai khó lấy và em bé không hợp tác, hơn 30 năm công tác tôi chưa thấy ai lại gây mê lấy ráy tai.
Chị có dùng thuốc mà chỉ “bở một chút lớp bên ngoài” là do chưa đủ thời gian cho thuốc ngấm. Theo tôi, chị nên thử dùng lại audiclean, một ngày em nhỏ nhiều lần (5, 6 lần) sau khi nhỏ chị đừng lau chùi gì cả mà cho bé nằm nghiêng khoảng 10 phút (tai mới nhỏ thuốc quay lên trần), sau đó đổi sang nhỏ tai kia cũng làm theo quy trình như vậy. Sau 3 ngày (trường hợp dễ) đến 1 tuần ráy tai kể cả ở trong sâu sẽ mềm. Có trường hợp ráy tai mềm có thể tự chảy ra ngoài, có trường hợp khó đến bác sĩ hút ra không đau đớn gì hết.
Con chị đã 6 tuổi là tuổi nghe và hiểu rồi, có lẽ lần đầu tiên lấy làm trầy xước gây đau nên bé sợ. Chị để lâu lâu một chút khoảng sau 1 tuần, ráy tai vừa mềm dễ lấy mà bé cũng quên dần cảm giác đau lúc đó hãy bắt đầu lấy. Bệnh nhân của tôi, những trường hợp khó tôi đều làm như vậy, chị thử xem nhé. Nhớ là sau nhỏ tai không được chùi mà phải nằm nghiêng lâu để thuốc thấm sâu và ngày nào cũng nhỏ tai cho đến ngày lấy ráy tai (tự lấy hay đi bác sĩ). Tôi phải dặn vậy vì có một số người nhỏ 3 - 4 ngày đầu theo chỉ dẫn sau đó ngưng vài ngày mới đến khám ráy tai lại khô lại.