Những phụ nữ béo phì, đặc biệt là những người tích lũy nhiều chất béo quanh vùng bụng, có nguy cơ bị giảm thính lực. Kết luận trên được rút ta từ cuộc nghiên cứu theo dõi hơn 68.000 phụ nữ tham gia trong cuộc khảo sát mang tên Sức khỏe sinh sản Harvard (Mỹ). Theo đó, cứ mỗi hai năm, kể từ 1989-2009, những phụ nữ tham gia nghiên cứu được yêu cầu trả lời một số câu hỏi chi tiết về sức khỏe và thói quen hàng ngày của họ. Trong năm 2009, những phụ nữ tham gia được yêu cầu cho biết họ có bị giảm thính lực hay không và bị ở độ tuổi nào?
Béo phì nguy cơ cao dẫn đến giảm thính lực ở phụ nữ
Kết quả được công bố trên tạp chí American Journal of Medicine (Mỹ), số ra tháng 12/2013, cho thấy, cứ sáu phụ nữ tham gia nghiên cứu, thì một người cho biết đã bị giảm thính lực.
Đặc biệt, những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hoặc có vòng bụng lớn đối diện với nguy cơ cao hơn về các vấn đề nghe so với những phụ nữ có thể trọng bình thường.
BMI là một phép đo khối lượng cơ thể dựa trên tỷ lệ giữa chiều cao và trọng lượng. Những phụ nữ bị béo phì (có chỉ số BMI từ 30 đến 39) tăng từ 17-22% khả năng bị giảm thính lực so với phụ nữ có chỉ số BMI nhỏ hơn 25.
Số phụ nữ thuộc diện cực béo (có chỉ số BMI trên 40 ) có nguy cơ cao nhất mắc phải các vấn đề nghe - cao hơn khoảng 25% so với số phụ nữ có thể trọng bình thường.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho biết, kích thước vòng bụng cũng có liên quan với nguy cơ giảm thính lực. Theo đó, những phụ nữ có số đo vòng bụng lớn hơn 86,5cm, tăng khoảng 27% khả năng bị giảm thính lực so với những phụ nữ có số đo vòng bụng dưới 71cm.
Kích thước vòng bụng vẫn là một yếu tố nguy cơ cao gây giảm thính lực ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu loại trừ các yếu tố gây giảm thính lực khác, như chỉ số BMI cao, hút thuốc lá, sử dụng các loại thuốc nhất định và chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng… Điều này cho thấy, tình trạng chất béo tích lũy nhiều quanh vùng bụng có thể ảnh hưởng lớn đến thính lực.
Tiến sĩ Sharon Curhan, giảng viên y khoa tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston (Mỹ), người dẫn đầu cuộc nghiên cứu cho biết: "Tai là bộ phận đòi hỏi hoạt động trao đổi chất rất cao, vì thế rất cần được cung cấp máu đầy đủ. Tình trạng béo phì có thể khiến các mạch máu bị thu hẹp, gây cản trở lưu lượng máu đến tai. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến kết quả là làm sụt giảm chức năng nghe của tai”.
Theo các nhà nghiên cứu, một phương pháp có thể thay đổi mối liên quan giữa béo phì và việc giảm thính lực là tập thể dục. Những phụ nữ thực hiện luyện tập đi bộ thường xuyên bốn giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần, có thể kéo giảm khoảng 15% nguy cơ bị giảm thính lực so với những phụ nữ đi bộ ít hơn một giờ mỗi tuần.
Sưu tầm