Bệnh này thường gặp ở những người đi lại nhiều bằng đường hàng không. Nếu không được can thiệp, bệnh nhân sẽ ù tai, nghe kém do tiết dịch trong thùng nhĩ, tràn dịch thùng nhĩ.
Nếu bị chấn thương khí áp, người bệnh ngay khi xuống máy bay đã cảm nhận ngay điều bất thường ở bên tai tổn thương; thậm chí cảm giác này có thể xuất hiện ngay khi máy bay đang hạ độ cao để tiếp đất (khoảng 2.000-3.000 m, đặc biệt khi hạ độ cao quá nhanh). Người bệnh bỗng cảm thấy có sự thay đổi áp lực ở bên tai bị tổn thương (cũng có thể bị cả 2 bên); đôi khi cảm thấy như có tiếng "ục" nhẹ do áp lực mạnh của không khí tác động lên bề mặt ngoài của màng nhĩ. Tiếp đó, sức nghe bị giảm và cảm giác ù tai xuất hiện. Một số người xuất hiện cảm giác đau; đa số có cảm giác "bì bì trong tai" như có nút bông.
Những ngày tiếp theo, nếu không được can thiệp, cảm giác ù tai, nghe kém tăng dần do hiện tượng xuất tiết thanh dịch trong thùng nhĩ, gây ra tràn dịch thùng nhĩ. Nếu quá thời gian 10 ngày, thanh dịch không tự chảy ra được thì thầy thuốc bắt buộc phải chích rạch màng nhĩ để dẫn lưu. Nếu tràn dịch tái phát thì phải đặt 1 ống thông qua lỗ rạch để bảo đảm thông khí cho thùng nhĩ trong một thời gian.
Do việc hỗ trợ điều trị khá phức tạp nên những người có nhiều nguy cơ bị viêm tai do chấn thương khí áp (viêm đường hô hấp mạn tính, viêm mũi-xoang mạn tính) nên phòng bệnh. Mỗi khi có đợt cảm cúm, viêm tắc mũi hay viêm xoang cấp, nên tránh đi máy bay.
Bệnh sinh ra là do vòi nhĩ bị tắc, làm áp lực không khí trong thùng nhĩ giảm, mất cân bằng áp lực giữa mặt bên trong và bên ngoài màng nhĩ. Để duy trì được sự cân bằng đó, cần tiến hành thủ thuật "thổi hơi vào thùng nhĩ" khi máy bay hạ độ cao để tiếp đất. Cách làm như sau: hít vào sâu rồi dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay phải bóp chặt 2 cánh mũi (trong khi miệng ngậm chặt), phì mạnh hơi lên tai. Nếu làm đúng và vòi nhĩ thông, bạn sẽ cảm nhận 1 tiếng "ục" trong tai do áp lực luồng hơi thở không ra được qua đường mũi, miệng, sẽ đi vòng ra sau họng, lên vòi nhĩ, qua thùng nhĩ mà tác động lên mặt sau màng nhĩ, làm chấn động màng nhĩ.
Trong thời gian máy bay hạ cánh, phải tiến hành "thổi hơi vào thùng nhĩ" như thế mỗi khi cảm thấy có sự biến đổi áp lực trong tai; không phải chỉ tiến hành 1 lần mà phải làm nhiều lần cho đến khi vòi nhĩ được thông, nghĩa là hết mọi cảm giác bất thường về áp lực ở tai.
Để giúp cho vòi nhĩ mở ra dễ dàng hơn, có thể nhỏ mũi hoặc tốt hơn là xịt mũi bằng thuốc co mạch như xylomethazolin 1 giờ trước khi máy bay hạ cánh và sau đó cứ 20 phút xịt 1 lần. Cần nhớ lần xịt đầu nên xịt thuốc 2 đợt, cách nhau vài phút để sau khi phần trước của mũi được thông thoáng thì thuốc lần sau có thể vào sâu được tới sau vòm, đến tiếp cận với lỗ của vòi nhĩ.
Nhai kẹo cao su trong thời gian máy bay hạ cánh cũng có tác dụng tốt do động tác nuốt kéo theo sự mở lỗ của vòi nhĩ, tạo sự thông thoáng giữa họng mũi với thùng nhĩ.
Theo ykhoa.net GS. Phạm Kim, Sức Khỏe & Đời Sống