Chào em! Theo thư em mô tả thì có thể nghĩ tới nguyên nhân là do tổn thương tai trong. Đây là cơ quan tiếp nhận âm thanh (vùng này còn có thể xem là tai thần kinh). Tai trong biến đổi sóng âm thành các xung thần kinh, theo dây thần kinh số VIII đi vào vùng thính giác trong não.
Em đã được bác sĩ khám, đo thính lực, kết quả có giảm thính lực tai phải, do tổn thương tai trong, bệnh kéo dài một năm, nên không hy vọng thính lực phục hồi như cũ.
Em phải cố gắng giữ thính lực tai còn lại, tránh những tổn hại đáng tiếc có thể xảy ra đặc biệt là do dùng thuốc uống không có ý kiến của bác sĩ. Vì có một số thuốc ảnh hưởng tới tai như nhóm thuốc Aminoglycosid, Erythromycin, Vancomycin, Viomycin, Ampicillin... thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm, thuốc chống sốt rét Quinine, thuốc điều trị ung thư (buồng trứng, tinh hoàn, phổi), thuốc dùng tại chỗ (các loại thuốc dạng nước hoặc bột nhỏ, thoa trực tiếp vào tai).
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như: Ô nhiễm asen là nguyên nhân gây điếc; Thuỷ ngân gây điếc; Trimethyltin gây những thay đổi về cấu trúc cũng như chức năng của hệ thính giác. Ngoài ra còn một số kim loại như chì, manganese gây giảm nghe và giảm chức năng tiền đình ở người có triệu chứng ngộ độc mangan. Trichloroethylene gây suy giảm thần kinh thính giác và tiền đình. Toluene cộng thêm tiếng ồn hoặc các chất hòa tan khác khác làm tăng sự hư hại của ốc tai. Ngoài ra còn một số chất hòa tan hữu cơ khác cũng gây ngộ độc tai như Ttyrene, Xylene...
Vì thế, để giữ thính lực tai còn lại em phải luôn luôn nhớ “không nên tự dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ” em nhé! Trong và sau thời gian dùng thuốc nếu thấy biểu hiện ù tai, nghe kém nên đến ngay bác sĩ kiểm tra.
Chúc em và gia đình nhiều sức khỏe.
Chuyên viên tai mũi họng.