Chào bạn! Màng nhĩ là một màng nằm cuối ống tai ngoài, phân chia tai giữa và tai ngoài. Phần căng của màng nhĩ bao gồm lớp biểu mô, tổ chức xơ và niêm mạc. Kết cấu này đôi khi bị thủng vì một lý do nào đó. Có 3 lý do cơ bản dẫn đến thủng màng nhĩ là do vật nhọn đâm vào tai (chấn thương trực tiếp), do áp lực quá mạnh tác động lên màng nhĩ (chấn thương gián tiếp) và do viêm nhiễm từ vùng mũi họng gây tụ dịch, tụ mủ trong hòm nhĩ làm thủng nhĩ từ trong ra (viêm tai giữa).
Khi màng nhĩ bị thủng sẽ gây đau nhói trong tai, chảy máu, ù tai, chóng mặt, điếc... Trường hợp thủng màng nhĩ do viêm tai giữa cấp thì thường có triệu chứng sốt, nóng, đau nhức trong tai, ù tai. Nếu bị thủng có nhiễm trùng mà để lâu không điều trị sẽ làm viêm xương chũm, thậm chí dẫn đến viêm màng não, áp xe não, liệt mặt, viêm xoang tĩnh mạch...
Điều trị bệnh, các bác sỹ sẽ phải vá lại màng nhĩ. Phẫu thuật này ở các trung tâm tai - mũi - họng hoặc khoa tai - mũi - họng của các bệnh viện đều có thể thực hiện được. Để phòng ngừa bị thủng màng nhĩ, mọi người không nên ngoáy những vật sắc nhọn vào tai. Nếu bị mắc các bệnh về mũi, họng thì cần phải điều trị tích cực để tránh viêm tai giữa có mủ dẫn đến thủng màng nhĩ.
Chúc bé và gia đình nhiều sức khỏe.
Chuyên viên tai mũi họng.